Ngành viễn thông nước ta hiện nay có vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta cũng như trong các hoạt động kinh tế, giáo dục, y tế, chính trị… Không chỉ kết nối mọi người với nhau mà còn là cầu nối cho việc trao đổi thông tin và dữ liệu, từ đó thúc đẩy sự tiến bộ của kinh tế – xã hội.
Song song viễn thông là khái niệm điện tử. Cụ thể, lĩnh vực Điện tử nghiên cứu và chế tạo ra các vi mạch điện tử, cũng chính là “bộ não” của các thiết bị thông minh, điều khiển toàn bộ hoạt động. Ngành điện tử viễn thông tạo ra các thiết bị truyền dẫn thông tin hiện đại được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày như tivi, điện thoại, máy tính, mạch điều khiển,…
1. Thực trạng ngành viễn thông nước ta hiện nay
Ngành viễn thông Việt Nam hiện nay đang trải qua một quá trình phát triển nhanh chóng và đột phá, đánh dấu sự hiện đại hóa và tích hợp công nghệ cao.
1.1 Tốc độ phát triển nhanh vượt bậc
Trong thập kỷ gần đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự thay đổi ngoạn mục của ngành viễn thông Việt Nam. Vào những năm đầu của thế kỷ 21, chiếc điện thoại còn rất xa lạ thế nhưng hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ của di động và internet thể hiện qua sự gia tăng nhanh chóng của số lượng thuê bao di động và sự phổ biến của smartphone. Tốc độ phát triển vượt bậc của ngành viễn thông nước ta hiện nay đã rút ngắn khoảng cách số hóa giữa Việt Nam và các nước phát triển.
1.2 Có nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước
Để có được sự phát triển như hiện nay, nhà nước ta đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. Chính phủ Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào hạ tầng viễn thông. Việt Nam đã triển khai các mạng 3G, 4G và 5G, cung cấp internet tốc độ cao và các tiện ích kỹ thuật số cho người dân và doanh nghiệp. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ trực tuyến, thương mại điện tử và ứng dụng di động.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị sửa đổi Luật Viễn thông với 6 nhóm chính sách lớn và xây dựng Luật Công nghiệp Công nghệ số. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết các hạn chế, vướng mắc, bất cập, mở rộng không gian cho doanh nghiệp viễn thông phát triển, thúc đẩy hạ tầng viễn thông sớm trở thành hạ tầng của nền kinh tế số, xã hội số… trong thời đại mới.
Ngoài ra, Chính phủ cũng thường xuyên tạo điều kiện cho các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của ngành nghề này.
1.3 Đón đầu các thành tựu kỹ thuật hiện đại
Chúng ta đang được trải nghiệm những thành tựu kỹ thuật hiện đại của ngành viễn thông nước ta hiện nay. Việt Nam đã triển khai mạng 5G một cách nhanh chóng, cho phép trải nghiệm các ứng dụng và dịch vụ mới như thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR), và Internet of Things (IoT). Các công nghệ mới này không chỉ mở ra cánh cửa cho trải nghiệm kết nối mạnh mẽ hơn mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển đa dạng trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và sản xuất.
1.4 Sự đa dạng hóa dịch vụ
Ngành viễn thông ở Việt Nam ngày càng đa dạng, không chỉ tập trung vào dịch vụ điện thoại di động và internet. Các công ty viễn thông mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn hơn, từ các gói cước điện thoại di động linh hoạt cho đến các gói Internet tốc độ cao và các dịch vụ truyền hình trực tuyến. Ngoài ra, sự đa dạng hóa còn thể hiện qua việc phát triển các dịch vụ mới như giải pháp IoT cho nhà thông minh, công nghệ điện toán đám mây và các ứng dụng di động đa dạng về giáo dục, giải trí và công việc.
1.5 Khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Ngành viễn thông đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Sự phát triển của ngành này đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan, và tạo ra một môi trường kinh doanh thúc đẩy sự sáng tạo và khởi nghiệp.
2. Xu hướng phát triển ngành viễn thông nước ta hiện nay là gì?
Ngành viễn thông nước ta hiện nay đang phát triển một cách mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội mới cho sự đổi mới và tiến bộ. Sự phát triển mạnh mẽ này hứa hẹn sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện của đất nước trong thời đại số.
2.1 Kết nối 5G
Kết nối 5G là một bước tiến quan trọng, mở ra tương lai đầy tiềm năng cho việc truyền dẫn dữ liệu và tăng trải nghiệm kết nối của người dùng. Công nghệ này cung cấp tốc độ tải xuống và tải lên nhanh hơn, gấp khoảng 5 lần so với tốc độ của 4G, đồng thời có khả năng kết nối ổn định hơn. 5G sở hữu tính năng mà các thế hệ mạng trước đó chưa bao giờ có thể làm được.
Kết nối 5G hiện đang được coi là xu thế của ngành viễn thông, được dự đoán và kỳ vọng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng lớn về kết nối với khả năng truyền dữ liệu cực cao, kết nối với công suất lớn.
2.2 Lấy người dùng làm trung tâm
Ngành viễn thông nước ta hiện nay đang chuyển đổi mạnh mẽ với việc đặt người dùng làm trung tâm. Thay vì chỉ tập trung vào việc cung cấp dịch vụ, ngành viễn thông đang tập trung vào việc hiểu và đáp ứng nhu cầu thực sự của người dùng. Từ việc cải thiện chất lượng dịch vụ đến việc phát triển dịch vụ và tiện ích mới dựa trên phản hồi của người dùng, do đó có tính ứng dụng cao đồng thời mang lại nguồn lợi ích lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh viễn thông và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của quốc gia.
Ví dụ dịch vụ VAS (Value-added Services – Giá trị gia tăng) cung cấp nhiều tiện ích, biến chiếc điện thoại trở nên thông minh hơn như kết nối Internet (3G, 4G), nghe nhạc, xem phim, chơi game,… Người dùng có thể đăng ký sử dụng những dịch vụ cần thiết, phục vụ cho nhu cầu và sở thích. Dịch vụ VAS mang đến cho người dùng nhiều trải nghiệm thú vị, đồng thời các nhà mạng cũng thu được nguồn lợi nhuận cao. Chính vì vậy, các nhà mạng khác nhau đã và đang không ngừng phát triển nhiều tiện ích hơn nữa để phù hợp với khách hàng.
2.3 Chuyển đổi số
Sự phát triển của các công nghệ mới như IoT, Big data, AI, điện toán đám mây… đã có tác động mạnh mẽ đến ngành viễn thông. Với sự xuất hiện của những dịch vụ OTT hay over-the-top (những dịch vụ cung cấp trên Internet mà không phải trực tiếp từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như WhatsApp, Skype hay Netflix) và sự thay đổi trong thói quen, hành vi của người dùng tìm kiếm những dịch vụ và trải nghiệm tốt, tối ưu hơn.
Trước những biến chuyển này, trong những năm qua, ngành viễn thông đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh doanh thu từ những dịch vụ truyền thống cốt lõi như gọi thoại và nhắn tin, cùng với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp dịch vụ OTT. Để cạnh tranh và bù đắp cho sự sụt giảm về doanh thu từ các dịch vụ truyền thống, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông buộc phải thay đổi, làm mới bản thân, thực hiện các bước chuyển đổi số hiệu quả để cung cấp những dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Nổi bật cho xu thế này là sự ra đời của dịch vụ tiền di động – Mobile Money. Dựa trên thói quen chuyển đổi từ thanh toán tiền mặt sang các hình thức thanh toán online, các tập đoàn viễn thông đã triển khai dịch vụ thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ qua tài khoản di động. Đây được coi là một trong những bước ngoặt lớn trong quá trình chuyển đổi số của ngành viễn thông Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều công nghệ khác đã và đang được nghiên cứu để áp dụng để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ viễn thông trong tương lai:
IoT (Internet of Things) giúp kết nối tất cả các thiết bị như các đồ dùng trong nhà hay các hệ thống máy móc trong nhà máy thông qua mạng không dây (wifi) hoặc mạng viễn thông băng rộng (3G, 4G, 5G). Khi đó, các thiết bị có thể liên lạc thông suốt với nhau, đưa ra phản hồi nhanh chóng và đồng nhất.
Big Data hỗ trợ thu thập, phân tích khối lượng dữ liệu khổng lồ, cung cấp những thông tin cần thiết cho doanh nghiệp về hành vi, thói quen và nhu cầu của khách hàng.
Trí tuệ nhân tạo xử lý, phân tích khối lượng dữ liệu lớn, trích xuất những thông tin có giá trị. Từ đó, đưa ra cách xử lý, giải quyết vấn đề, mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng bằng cách: Cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới; Tối ưu hóa mạng; Bảo trì dự đoán; Trợ lý ảo;…
Chuyển đổi số mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành viễn thông với những bước phát triển mạnh mẽ, kết nối thế giới thực và ảo. Trong xu hướng đó, sự đổi mới, sáng tạo, năng lực học hỏi và tư duy quản lý của con người là vô cùng quan trọng để có thể làm chủ và ứng dụng công nghệ một cách tối đa, hiệu quả.
3. Những thách thức của ngành viễn thông Việt Nam
Ngành viễn thông nước ta hiện nay đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song cũng đang đối mặt với một số thách thức đáng kể. Theo khảo sát của Vietnam Report, top 6 khó khăn, thách thức mà ngành công nghệ thông tin – viễn thông Việt Nam đang phải đối mặt là:
Thủ tục hành chính phức tạp (72,2%);
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao (66,7%);
Nghiên cứu và phát triển (R&D) còn nhiều giới hạn (55,6%)
Thị trường tiêu thụ rối loạn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu (44,4%);
Thiếu chính sách, thể chế, quy định pháp luật hỗ trợ của nhà nước (38,9%);
Hạn chế tiếp cận nguồn vốn đầu tư (16,7%).