Trải nghiệm của tôi - Sự tiết kiệm của bạn.

Bỏ mạng 2G

Mạng 2G là gì? Tại sao bị tắt sóng? Không có 2G có gọi được không?

Mạng 2G là một thuật ngữ không có gì xa lạ với phần đông người dùng điện thoại, nhất là những chiếc điện thoại "cục gạch". Nhưng có mấy ai hiểu tường tận về nó. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có cái nhìn tổng quan hơn về mạng 2G nhé.

1. Lịch sử phát triển các thế hệ mạng di động

Trước đây, điện thoại bàn cổ dùng tín hiệu xung quay số (pulse dial signalling). Tuy nhiên thì hiện nay chúng không thể kết nối được với các thiết bị hiện đại, trừ khi người dùng chuyển đổi tín hiệu thì mới có thể kết nối được.

Từ năm 1963, điện thoại bấm nút được trang bị tiêu chuẩn công nghệ đa tần số quét (DTMF), nhờ sở hữu các công nghệ tương tự nhau mà đến nay chúng vẫn kết nối tốt với điện thoại bàn hiện đại.

Mạng 2G

Tuy nhiên, những năm trở lại đây thì mạng di động có sự cải tiến rõ rệt, các công ty công nghệ thường xuyên ra mắt các tiêu chuẩn mới. Chữ cái "G" là từ viết tắt của Generation (thế hệ).

5G là tiêu chuẩn mạng di động thế hệ thứ 5, mới nhất hiện nay.

  • Năm 2001: Mạng 3G bắt đầu hoạt động.
  • Năm 2009: Mạng 4G được ra đời.
  • Năm 2018: Mạng 5G được sử dụng lần đầu tiên.

Trước đó là mạng di động 2G ra đời năm 1991 và thế hệ mạng 1G được sử dụng lần đầu tiên từ năm 1981.

Các tiêu chuẩn mạng mới cải thiện các công nghệ cốt lõi đồng thời cập nhật thêm nhiều nâng cấp. Tiêu chuẩn mới hơn thường cung cấp tín hiệu nhanh và mạnh hơn do đó người dùng có thể truy cập các trang web một cách nhanh hơn hay xem video với độ phân giải màn hình cao hơn.

Để mạng di động trở nên phổ biến và được trang bị trên smartphone, các tiêu chuẩn mới thường mất một khoảng thời gian để được phổ cập đến người dùng.

2. Tìm hiểu mạng 2G

Mạng 2G là gì?

2G là từ viết tắt của công nghệ viễn thông di động thế hệ thứ hai được ra mắt lần đầu tiên ở Phần Lan vào năm 1991 bởi nhà mạng Radiolinja.

Các tính năng chính của kết nối di động 2G là mã hóa tín hiệu các cuộc hội thoại và tin nhắn dưới dạng kỹ thuật số, cung cấp các dịch vụ dữ liệu khác nhau cho điện thoại di động.

2G là công nghệ viễn thông di động thế hệ thứ 2

2G là công nghệ viễn thông di động thế hệ thứ 2

Mạng 2G mang tới cho người sử dụng di động 3 lợi ích tiến bộ hơn so với 2 công nghệ tiền nhiệm là 0G và 1G là:

  • Gọi thoại với tín hiệu được mã hóa dưới dạng tín hiệu kỹ thuật số (digital encrypted) giúp chất lượng cuộc gọi được cải thiện hơn.
  • Cung cấp dịch vụ dữ liệu cho di động, bắt đầu với tin nhắn văn bản SMS.
  • Sử dụng hiệu quả hơn phổ tần số vô tuyến cho phép nhiều người dùng hơn trên mỗi dải tần.

Việc ra đời của mạng 2G đã giúp tiết kiệm thời gian cũng như mở rộng phạm vi phủ sóng hơn so với mạng 0G và 1G.

Mạng 2G vượt trội hơn so với các mạng trước đây

Mạng 2G vượt trội hơn so với các mạng trước đây

Mạng 2G chia làm 2 nhánh chính: Nền TDMA (Time Division Multiple Access) và nền CDMA, cùng nhiều dạng kết nối mạng tuỳ theo nhu cầu sử dụng từ thiết bị cũng như hạ tầng từng phân vùng quốc gia:

  • GSM (TDMA-based): Áp dụng tại Phần Lan sau đó phổ biến trên 6 châu lục và hiện nay vẫn được hơn 80% nhà cung cấp mạng sử dụng trên toàn cầu.
  • CDMA2000 – tần số 450 MHZ: Là nền tảng di động tương tự GSM nhưng nó lại dựa trên nền CDMA và hiện nay cũng đang được sử dụng nhều.
  • S-95 (cdmaOne): Được sử dụng rộng rãi tại Hoa Kỳ và một số nước Châu Á và chiếm gần 17% các mạng toàn cầu.
  • PDC (nền tảng TDMA) tại Nhật Bản.
  • iDEN (nền tảng TDMA) sử dụng bởi Nextel tại Hoa Kỳ và Telus Mobility tại Canada.
  • IS-136 (D-AMPS): Được cung cấp hầu hết tại các nước trên thế giới cũng như Hoa Kỳ.

Hiện tại, 2G đã trở thành thế hệ mạng cũ bởi sự thay thế từ 3G, 4G, 5G và tương lai là 6G.

Việt Nam tiến tới cách mạng hóa 5G, bắt đầu cắt mạng 2G kể từ ngày 1/3

Đến tháng 9/2024 Việt Nam sẽ hoàn thành việc dừng công nghệ 2G, trên mạng di động sẽ không còn thuê bao 2G. Khi đó, các điện thoại 2G không sẽ không được sử dụng trên mạng lưới.

Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thực hiện theo quy định của Luật Viễn thông, từ ngày 1/3/2024, thực hiện ngừng kết nối mạng với các máy điện thoại di động 2G (vốn gắn với cái tên điện thoại "cục gạch", ý chỉ những mẫu điện thoại cũ chỉ nghe gọi cơ bản, không có tính năng sử dụng internet) không được chứng nhận hợp quy. Để tiếp tục sử dụng dịch vụ, khách hàng sử dụng các thiết bị như trên phải nâng cấp lên các máy 3G/4G/5G.

Hiện tại, danh sách của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) bao gồm hơn 4.000 thiết bị di động 2G. Trong đó, phần lớn các mẫu máy đều là thiết bị đời cũ, được sản xuất từ lâu. Trên thực tế, các mẫu điện thoại 2G only đã bị cấm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam từ tháng 7/2021.

Trước quy định này, các nhà mạng cũng đã đưa ra thông báo đến với người dùng mạng. Để đảm bảo dịch vụ và liên lạc thông suốt, các nhà mạng khuyến cáo khách hàng kịp thời tra cứu thông tin thiết bị 2G sử dụng và chuyển đổi, nâng cấp sang các máy 3G/4G/5G.

Theo lộ trình, đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên cả nước, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Điều này sẽ ảnh hưởng tới khoảng 15 triệu người đang dùng điện thoại “cục gạch” sẽ phải chuyển sang dùng điện thoại thông minh.

Hoạt động này nhằm định hướng dừng công nghệ di động 2G, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ, thực hiện chương trình "mỗi người dân một máy điện thoại thông minh".

Trên thực tế, vẫn còn một số bộ phận người dân dùng các mẫu điện thoại sử dụng sóng 2G, dẫn đến việc một số người dùng gặp khó khăn khi chuyển đổi sang mạng 3G, 4G... Đặc biệt ở những người dùng độ tuổi cao niên, những người tiêu dùng chưa có kiến thức về điện thoại thông minh, việc sử dụng điện thoại thông minh ức khá phức tạp và khó khăn. Bên cạnh đó, vấn đề chi phí chuyển đổi sang thiết bị 3G, 4G,... cũng là một trong những khó khăn mà người dùng 2G gặp phải.

Tuy nhiên, để không người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, các cơ quan chức năng cùng các nhà mạng cũng đã đều chuẩn bị các phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu cho người dùng. Các doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm truyền thông rộng rãi việc triển khai giải pháp kiểm soát, ngăn chặn kết nối vào mạng viễn thông di động này tới khách hàng của mình; đồng thời, công bố các thông tin đầu mối giải quyết khiếu nại của khách hàng.

Thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu rõ, người dân có thắc mắc và khiếu nại về máy điện thoại 2G không được kết nối mạng cần gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để được hỗ trợ, hướng dẫn. Sẽ chặn máy điện thoại 2G không hợp chuẩn từ 1/3 tới.