Tổng Quan
- Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh được dùng chung cho cán bộ làm công tác thông tin cơ sở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các chức năng: thực hiện tổ chức biên soạn bản tin phát thanh trên đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT, bản tin đăng tải trên bảng tin điện tử công cộng và các phương tiện TTCS khác. Quản lý các cụm loa truyền thanh, bảng tin điện tử công cộng và các phương tiện TTCS khác trên địa bàn tỉnh; thực hiện tổng hợp, thống kê để đưa ra các báo cáo phục vụ công tác đánh giá hiệu quả hoạt động TTCS trên địa bàn.
- Quản lý các cụm loa truyền thanh, bảng tin điện tử công cộng và các phương tiện TTCS khác trên địa bàn tỉnh, được kết nối với HTTT nguồn cấp tỉnh thông qua Internet/Intranet/IP (sim 3G/4G hoặc wifi).
Quy mô thị trường
Hiện nay trên cả nước có 9.792 đài truyền thanh cấp xã/10.599 xã, phường, thị trấn, với tỷ lệ 92,38%. Trong đó có 628 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin- viễn thông (kết nối IP/3G/4G) chiếm tỷ lệ rất nhỏ (6%) và 65.247 bảng tin điện tử công cộng cấp xã. Theo định hướng đến năm 2025, 100% đài truyền thanh FM có dây/không dây cấp xã sẽ được chuyển ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông.
Tổng số nhân sự làm việc tại đài truyền thanh cấp xã là 13.853 người, công chức kiêm nhiệm chiếm 45% và người hoạt động không chuyên trách là 55%. Nhân sự có trình độ Đại học chiếm 45,6% nhưng chỉ có 2,4% được đào tạo chuyên ngành báo chí, tuyên truyền và 1,8% chuyên ngành điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; trình độ Cao đẳng trở xuống chiếm 54,4% nhưng chỉ có 3,2% được đào tạo chuyên ngành báo chí, tuyên truyền và 3,5% chuyên ngành điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 131 đài truyền thanh cơ sở (sử dụng công nghệ không dây, sóng FM, có 01 hệ thống sử dụng công nghệ có dây là xã Lộc Châu thuộc thành phố Bảo Lộc) trên tổng số 142 xã, phường, thị trấn. Phần lớn hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được đầu tư từ lâu, từ nhiều Chương trình, dự án khác nhau, do đặc điểm thiết bị để ngoài trời nên thiết bị thường xuyên hư hỏng, chịu tác động lớn của môi trường như: Mưa, bão, nhất là bị sét đánh hỏng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác tuyên truyền tại cơ sở. Trên địa bàn tỉnh chưa có bảng tin điện tử công cộng.
Tỉnh Lâm Đồng có 131 cán bộ phụ trách các đài truyền thanh cơ sở (bao gồm cả kiêm nhiệm và không kiêm nhiệm), có 77 cán bộ chưa được đào tạo về chuyên môn, 21 người đạt trình độ đại học, 10 người đạt trình độ cao đẳng và 23 người đạt trình độ trung cấp. Tuy nhiên, các cán bộ có trình độ không được đào tạo đúng chuyên ngành, bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ phụ trách đài còn kiêm nhiệm nhiều việc, thường xuyên phải làm ngoài giờ nhưng chế độ thù lao thấp, trong khi đó, do cán bộ phụ trách các đài truyền thanh cơ sở thường xuyên thay đổi vị trí công tác dẫn tới không ổn định, bất cập, thiếu kinh nghiệm. Nói chung, nguồn nhân lực còn thiếu về số lượng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về thông tin tuyên tuyền và ứng dụng kỹ thuật trong hoạt động thông tin truyền thông cơ sở.
Thực trạng
Công tác quản lý hoạt động thông tin cơ sở bao gồm quản lý ở cả 3 cấp: cấp tỉnh (Sở Thông tin và Truyền thông), cấp huyện (Phòng Văn hóa – Thông tin và Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông cấp huyện), và cấp xã (UBND cấp xã). Vừa quản lý về tình trạng trạng thiết bị của từng vị trí cụm loa đối với đài truyền thanh, từng bảng tin điện tử công cộng, vừa tổ chức sản xuất, biên tập và cung cấp bản tin phát thanh trên đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông, bảng tin điện tử công cộng và các phương tiện thông tin cơ sở khác; Kiểm soát nội dung, kiểm tra tình hình hoạt động của từng loại hình thông tin cơ sở; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ cho các cấp.
Do nhân sự thay đổi thường xuyên, máy móc hư hỏng… nên nguồn dữ liệu bị phân tán, số liệu thông tin cơ sở còn được lưu trữ theo phương thức truyền thống, chưa đáp ứng yêu cầu về tìm kiếm, cung cấp thông tin nguồn để phục vụ tuyên truyền và công tác quản lý Nhà nước về thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng chưa có phương thức tuyên truyền, tiếp nhận thông tin hai chiều để người dân có thể phản ánh thông tin đến các cơ quan quản lý thông qua hệ thống thông tin cơ sở.
Mong muốn giải đáp
Hiện nay chưa có một Nền tảng số cho phép quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh. Nền tảng sẽ giúp theo dõi, kiểm soát, tổng hợp, phân tích và đánh giá mức độ hiệu quả của hoạt động thông tin cơ sở. Trong trường hợp tỉnh có nhiều nhà cung cấp thiết bị khác nhau với giải pháp phần cứng và phần mềm khác nhau sẽ gây khó khăn trong quản lý điều hành cũng như đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin trong lĩnh vực truyền thanh. Việc triển khai xây dựng nền tảng hệ thống thông tin nguồn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động thông tin cơ sở, hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở, đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin, hình thành cơ sở dữ liệu – số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin tuyên truyền đến người dân; thực hiện thông tin hai chiều để người dân tiếp nhận thông tin thiết yếu và phản ánh thông tin về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở đến các cơ quan quản lý thông tin hệ thống thông tin cơ sở.
Văn bản liên quan
- Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 05/9/2016 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới” trong đó cũng xác định rõ: “Công tác thông tin cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại về viễn thông, truyền thông đa phương tiện để tổ chức công tác thông tin cơ sở...”;
- Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 08/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 cụ thể: “Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông, internet để đổi mới cách thức thông tin, tuyên truyền ở cơ sở; Đầu tư, phát triển hệ thống truyền thanh ở các xã để tuyên truyền, phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân”;
- Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, mục tiêu đặt ra “Hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở nhằm đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin để cung cấp, trao đổi thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác và hiệu quả”.
- Kế hoạch số 9243/KH-UBND ngày 17/12/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng về thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Nguồn: internet , https://dx.gov.vn/bai-toan/nen-tang-he-thong-thong-tin-nguon-cap-tinh-quan-ly-thong-tin-co-so-102.htm