Trước khó khăn của thị trường bất động sản, nhiều nhân viên môi giới bỏ nghề vì không đủ sức cầm cự
Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP HCM (HoREA) vừa báo cáo đánh giá tình hình thị trường BĐS TP HCM 10 tháng đầu năm 2020. Theo báo cáo, từ tháng 3 đến tháng 7-2020, thị trường BĐS bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, làm trầm trọng thêm những khó khăn sẵn có của thị trường trong 3 năm gần đây.
Thị trường bị sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Đại dịch Covid-19 cũng tác động rất lớn đến phân khúc BĐS cho thuê (văn phòng cho thuê; nhà, mặt bằng cho thuê; trung tâm thương mại cho thuê); BĐS du lịch, condotel; môi giới BĐS và khoảng 35 ngành nghề có liên quan BĐS.
Trong cả nước, 8 tháng đầu năm 2020 có đến 923 doanh nghiệp (DN) BĐS giải thể, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác, có tác động tiêu cực đến 35 ngành nghề có liên quan đến thị trường BĐS và ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người lao động. Đồng thời, Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết có khoảng 80% sàn giao dịch BĐS phải dừng hoạt động trong thời gian qua.
HoREA dẫn số liệu từ Sở Xây dựng TP HCM cho thấy trong 9 tháng đầu năm, chỉ có 20 dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn (giảm 37,5% so với 9 tháng đầu năm 2019) với 6.722 căn (giảm 65,8% so với 9 tháng đầu năm 2019).
Trong đó, chỉ có 163 căn hộ bình dân, chiếm tỉ lệ 2,5% trong tổng số nhà ở dự án (giảm đến 98,5% so với cùng kỳ năm 2019); chỉ có 1.863 căn hộ trung cấp, chiếm tỉ lệ 25% (giảm 56,4% so với 9 tháng đầu năm 2019). Trong khi đó, có đến 4.876 căn hộ cao cấp, chiếm tỉ lệ 72,5%, cao nhất trong tổng số nhà ở thương mại và tăng 24,5% so với cùng kỳ 2019.
Các DN môi giới BĐS là đối tượng chịu tác động rõ nét nhất từ đại dịch Covid-19 và sự sụt giảm mạnh của thị trường BĐS. Tuy nhiên, khó khăn của nghề môi giới đã xuất hiện từ năm 2019 khi cung dự án ở TP HCM ngày càng khan hiếm do vướng đất công, gặp trục trặc pháp lý…
Giám đốc một công ty môi giới tại TP HCM cho biết trước đây chủ đầu tư thường không chọn quá nhiều đơn vị môi giới cho một dự án nhưng vì không có hàng để bán, các công ty môi giới phải tìm đủ mọi cách để tiếp cận "rổ hàng" của chủ đầu tư. Có dự án chủ đầu tư chọn 50-60 công ty F1, rồi các công ty này chia hàng lại cho đơn vị F2... nên tỉ lệ "chọi" rất cao, nhiều nhân viên môi giới cùng bán một căn hộ, chứ không phải một nhân viên môi giới bán hàng chục căn hộ như trước.
Thị trường bất động sản khó khăn kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp lẫn nhân viên môi giới chật vật bám trụ với nghề . Ảnh: TẤN THẠNH
Đáng nói là có chủ đầu tư áp dụng hình thức trả phí môi giới theo tiến độ thanh toán chứ không chi theo tỉ lệ 7-3 như trước. Có chủ đầu tư còn kiếm đủ cớ để giảm phí hoa hồng nên các công ty môi giới càng thêm khó khăn.
Anh Thanh Toàn (29 tuổi) - nhân viên của một công ty môi giới sản phẩm căn hộ, BĐS nghỉ dưỡng uy tín ở TP HCM - cho biết anh vừa quyết định bỏ nghề và chuyển sang làm quản lý cho một công ty chuyên về nội thất, vật liệu trang trí với mức lương 12-13 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân vì thu nhập môi giới ngày càng giảm, trong khi lương cứng chỉ 3,5 triệu đồng/tháng. "Cả chục người môi giới mà chỉ chăm chăm vào một khách, tốn thời gian công sức. Vậy mà khi bán được được sản phẩm, phí hoa hồng chẳng còn bao nhiêu" - anh Toàn bộc bạch.
Còn chị Bảo Trân (33 tuổi), nhân viên một công ty môi giới BĐS khác, cho biết phải bán thêm ngũ cốc dinh dưỡng online bởi hơn 1 năm rồi thu nhập giảm sút 60%-70%, không đủ tiền trang trải gia đình cho 4 người. "Lúc trước tôi làm môi giới giỏi, vào tốp đầu của công ty, thu nhập cũng khá và có nhiều khách quen, tin tưởng nên ráng cầm cự chứ đồng nghiệp hầu hết đã đi làm việc khác hết rồi" - Trân kể.
Để tồn tại, nhiều công ty môi giới buộc phải chọn dự án ở tỉnh để bán, nhằm tạo việc làm cho nhân viên là chính, dù công ty không có lãi. Bởi chi phí đầu tư cho quảng bá, đi lại, ăn ở và cả chi phí chăm sóc khách hàng tốn kém rất nhiều mà chưa chắc hàng bán được như mong đợi. "Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào sự ổn định của thị trường vào 1-2 năm tới nên ráng cầm cự" - tổng giám đốc một công ty chia sẻ.
Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết chính vì không có hàng bán nên các DN môi giới không đủ lực đã "rụng" gần hết. Chỉ còn lại các DN có uy tín, nhiều kinh nghiệm, đủ nhân sự và giỏi chịu đựng mới trụ được.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/bat-dong-san-am-dam-nguoi-moi-gioi-bo-nghe-20201116221621363.htm